Chủ đầu tư, thi công, giám sát đều sai phạm

UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất với các kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh về kết quả thanh tra dự án địa đạo Tam giác sắt do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư. 

 


Khu di tích địa đạo Tam giác sắt nằm trên địa bàn xã  An Tây, huyện Bến Cát được xác định là di tích cấp quốc gia. Tính đến thời điểm bị thanh tra, dự án (DA) này đã được phê duyệt bốn lần điều chỉnh diện tích.

Ngày 04/7/1997, UBND tỉnh có Quyết định 2497/QĐ-UB, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch xây dựng quy mô DA 200 ha. Ngày 01/3/1999, UBND tỉnh lại có Quyết định 719/QĐ-CT để phê duyệt lại DA còn 52 ha. Cuối tháng 3/2004, tỉnh tiếp tục thu hẹp quy mô DA còn 23 ha, và ngày 28/8/2007, tỉnh chấp thuận cho Sở Văn hóa Thông tin điều chỉnh lại DA chỉ còn hơn 17,7 ha.

Kết quả thanh kiểm tra của Thanh tra tỉnh cho thấy, chủ đầu tư DA còn chậm trễ trong việc thực hiện công trình, và công tác đền bù giải tỏa cũng không đúng tiến độ.

Khâu dự toán cho DA cũng cho thấy, có nhiều chênh lệch sau nhiều lần phê duyệt điều chỉnh. Cụ thể, tổng vốn đầu tư dự án lúc ban đầu dự trù hơn 77,2 tỷ đồng cuối cùng vọt lên trên 225 tỷ đồng. Theo giải thích có hàng trăm tỷ chênh lệch này là do có nhiều biến động về giá cả nguyên vật liệu, nhân công cùng các chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục trong giai đoạn 2007-2008.

Theo kết luận thanh tra, trình tự và thủ tục lập phê duyệt hồ sơ mời thầu, chấm xét thầu được chủ đầu tư thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý của các gói thầu và tính pháp lý của hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa tuân thủ chuẩn xác và chặt chẽ trước khi lưu hồ sơ, vì thế đã xảy ra thiếu sót.

 Chủ đầu tư DA cũng sai sót trong lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật các hạng mục. Bởi vì trong hồ sơ thuyết minh thiết kế quy hoạch, rất nhiều hạng mục không có chữ ký và con dấu của chủ đầu tư, như hạng mục móng biểu tượng cổng vào, móng tượng đài anh du kích, móng tượng đài người mẹ, bản vẽ thiết kế hạng mục cổng rào, hạng mục san lấp và xây dựng các tuyến đường khu tái định cư.

Về phía đơn vị thi công cũng có nhiều điều phải nói. Công ty vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC phụ trách thi công san lấp nền trục chính, và xây dựng các tuyến đường phục vụ khu nhà ở tái định cư với giá trị hợp đồng hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, BMC chưa thực hiện đúng quy định khâu trình tự thủ tục pháp lý, bởi vì một số biên bản còn sai về mặt hình thức, thiếu chữ ký của chủ đầu tư, thiếu mộc dấu của đơn vị thi công. BMC cũng chưa thực hiện hoàn công công trình san lấp nền trục chính và xây dựng các tuyến đường tái định cư.

Chưa hết, trong biên bản nghiệm thu khối lượng công việc xây dựng, tổng khối lượng công việc tương ứng với giá trị hơn 247 triệu đồng nhưng thực tế đội trưởng thi công Nguyễn Văn Thành không thực hiện đúng hợp đồng, không xuất hóa đơn GTGT nhưng vẫn được BMC hợp thức hóa bằng hóa đơn xăng dầu với tổng số dầu 31.595 lít. Thanh tra tỉnh kết luận việc làm này không đúng theo nguyên tắc kế toán, vì trong bảng dự toán được duyệt và trong bảng thanh quyết  toán khối lượng không có chi phí xăng dầu.

Trong khi đó, phía đơn vị tư vấn giám sát phần san lấp và xây dựng các tuyến đường khu nhà ở tái định cư là Công ty tư vấn và xây dựng tổng hợp Bình Dương, nhưng lại cử cán bộ tham gia giám sát công trình không có chứng chỉ hành nghề…

Đơn vị thực hiện gói thầu tượng đài người mẹ, người anh du kích và biểu tượng cổng vào khu di tích thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Đại Dương. Qua kiểm tra, phát hiện Công ty này đã xuất 2 hóa đơn đầu ra vào các ngày 05/11/2010 và 16/3/2011 quyết toán với chủ đầu tư, nhưng mãi đến 01/4/2011, Công ty CP TM DV BĐS Hoàng Gia mới xuất hóa đơn nguyên vật liệu đá với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng. Xác minh hóa đơn này tại Chi cục thuế huyện Củ Chi, đoàn thanh tra phát hiện Công ty này không hoạt động và không kê khai thuế từ tháng 4/2011. Như vậy,  hóa đơn chi phí đá vật liệu ngày 01/4/2011 là không hợp pháp.

Thiện Nhân
(Thanh tra)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét